Đặc điểm nhận biết các loại gà thịt ngon

ga-truong-thanh
Đánh giá post

I. Đặc điểm nhận biết các loại gà thịt

1. Gà thịt sinh trưởng thành

Là kết quả của phép lai giữa giống kiêm dụng bố và mẹ, gồm có các đặc điểm sau đây:

1.1. Lớn nhanh ở giai đoạn đầu, lượng thức ăn tiêu tốn nhiều

Đây là đặc điểm quan trọng nhất của giống gà thịt này. Gà nhanh lớn ở thời kì đầu sẽ xuất chuồng sớm, giảm bớt chi phí thức ăn. Gà con mới đẻ trọng lượng khoảng 40 -45g; sau 6 tuần gà thịt trống, mái được trộn lẫn và nuôi trong cùng 1 đàn, nặng trung bình 2,35kg 1 con; 7 tuần tuổi có thể đạt đến 2,5kg, lượng thức ăn tiêu tốn cho 1 kg tăng trọng trung bình khoảng 1,8 – 2kg.

1.2. Sức sống cao, phù hợp với chăn nuôi đàn quy mô lớn

Ngành công nghiệp chăn nuôi gà thịt hiện nay chủ yếu sử dụng hình thức chăn nuôi theo đàn quy mô lớn với mật độ cao; 1 đàn thường gồm hàng nghìn con tập trung trong 1 trại nuôi. Hình thức này tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng lại gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh cũng như các nhân tố kích thích khiến dịch bệnh phát sinh. Gà thịt được chăn nuôi theo phương pháp hiện đại với các đặc điểm như sức đề kháng, khả năng thích nghi và chống chịu tốt; tỷ lệ sống sót cao phù hợp với hình thức chăn nuôi theo đàn quy mô lớn.

1.3. Đồng đều, có tính kinh tế cao

Gà thịt hiện nay không chỉ có sinh trưởng nhanh, tiêu hao thức ăn ít, tỷ lệ sống sót cao mà còn đồng đều về hình thể, làm giảm bớt những khó khăn trong khâu chế biến; mang lại lợi ích kinh tế cao; tuy nhiên, đặc tính này chỉ có thể thu được thông qua lai phối.Do trong quá trình gây giống và cải tạo giống, sự khác biệt về trọng lượng giữa gà trống và gà mái ngày càng lớn; vì vậy, để làm tăng tính đồng đều của sản phẩm, nhiều quốc gia đã sử dụng phương pháp chăn nuôi riêng rẽ các cá thể trống mái. Ở 1 số quốc gia khác, gà mái đến 1 độ tuổi nhất định cho xuất bán ra thị trường trước, trong khi gà trống phải tiếp tục nuôi thêm 1 thời gian nữa. Biện pháp này không chỉ làm tăng độ đồng đều về cân nặng của gà thịt khi xuất chuồng, mà còn có thể phát huy hết tiềm năng sinh trưởng của gà trống; nâng cao lợi nhuận kinh tế.

1.4.Sức sinh sản tốt, sản lượng thịt cao

Sức sinh sản cũng là 1 trong những tiêu chí lựa chọn gà hướng thịt. Gà thịt hiện nay thường bắt đầu đẻ trứng từ 24 tuần tuổi; đến 64 tuần tuổi, sản lượng trứng đạt khoảng 180 quả/mái, trong đó lượng trứng giống khoảng 160 quả, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ trứng nở đạt khoảng 95%. trong chu kỳ sinh sản, 1 gà mái chuyên thịt trung bình có thể đẻ được 155 gà con thương phẩm; gà con mới đẻ có thể được đưa ra thị trường ngay trong năm, do vậy có thể cung cấp lượng thịt dồi dào phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong thời gian ngắn.

2. Gà thịt chất lượng cao

Là những giống gà được nuôi đến 1 độ tuổi nhất định cho thịt thơm, hương vị đặc biệt.Nhắc đến loại gà này người ta thường chú trọng đến chất lượng thịt.

2.1. Đặc điểm

  • Lớn nhanh: qua quá  trình lựa chọn và lai phối, loại gà này đã có tốc độ lớn và khả năng chuyển hóa thức ăn nhanh hơn rất nhiều so với các giống truyền thống. Gà mái thường được xuất bán sau 60 ngày, trọng lượng lúc xuất bán được 1,3 – 2kg.
  • Thịt mềm, thơm ngon; có giá cả tương đối cao và sức cạnh tranh lớn trên thị trường.

2.2. Phân loại

Dựa vào tốc độ sinh trưởng có thể phân loại gà này thành 3 dòng nhỏ: dòng sinh trưởng nhanh, dòng sinh trưởng trung bình và dòng chất lượng cao. Chăn nuôi gà hướng thịt có chất lượng đảm bảo thể hiện rõ kết cấu đa nguyên, tức là trên mỗi thị trường khác nhau lại hình thành 1 thị hiếu và yêu cầu khác nhau đối với các đặc điểm ngoại hình cũng như chất lượng của gà.

a) Dòng sinh trưởng nhanh: gà trống, mái đạt các yêu cầu: 49 ngày tuổi trọng lượng khi xuất bán từ 1,3 – 1,5kg, trong đó được ưa chuộng nhất gà trống choai nặng khoảng 1kg và chưa bắt đầu gáy, Ở dòng gà này, người ta thường quan tâm đến tốc độ sinh trưởng, trong khi đặc điểm “tam hoàng” (lông, chân, da đều có màu vàng) chỉ được coi là thứ yếu: màu lông có thể là vàng, đen…; chân có thể có màu vàng, xanh, đen,…

b) Dòng sinh trưởng trung bình: đạt các yêu cầu sau: xuất bán khi được khoảng 80 – 100 ngày tuổi, trọng lượng đạt 1,5 – 2kg, mào to, đỏ tươi, màu lông sáng, tam hoàng.

c) Dòng chất lượng cao: đạt các yêu cầu sau: xuất bán khi được 90 – 120 ngày tuổi, trọng lượng đạt 1,1 – 1,5kg, mào to, đỏ tươi, màu lông sáng, chân nhỏ, màu lông và chân có sự khác biệt so với thói quen tiêu dùng trên thị trường và với giống của chính nó. Các giống gà thuộc loại này thường chưa được lai phối cải tạo, chủ yếu là các giống địa phương có phẩm chất tốt.

3. Gà thịt lai tạp

Là loại gà lai có cá thể bố thuộc giống gà thịt sinh trưởng nhanh và cá thể mẹ thuộc giống gà hướng trứng cao sản có thể trọng lượng trung bình. Loại gà này có đặc điểm sinh trưởng nhanh hơn so với gà hướng trứng bình thường nhưng lại chậm hơn so với gà có thể hình lớn; tiêu hao cho thức ăn ít, giá cả gà giống rẻ bằng 1/3 gà giống hướng thịt bình thường; khả năng thích nghi, chống chịu cao; dễ nuôi; chất lượng thịt tốt. Hiện nay loại gà này đang được các hộ chăn nuôi cũng như người tiêu dùng hết sức ưa chuộng, số lượng con không ngừng gia tăng, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trên thị trường.

II. Nhân giống gà thịt

1. Chọn giống chuyên dụng

Sản lượng trứng thường tỷ lệ nghịch với tốc độ lớn ở thời kỳ đầu cũng như thể trọng của gà ở thời kỳ trưởng thành: gà đẻ càng nhiều thì lớn càng chậm, thân hình càng nhỏ và ngược lại. Để giải quyết mâu thuẫn này, các chuyên gia chăn nuôi đã đưa ra 1 phương pháp nhằm điều tiết quá trình đẻ trứng ở gà thịt dựa trên nguyên tắc nhân giống cây trồng, trong đó nuôi riêng rẽ 2 giống chuyên dụng: giống gà bố và giống gà mẹ, sau đó tiến hành cho giao phối. Sử dụng phương pháp này có thể tận dụng tối đa những đặc tính khác biệt của 2 giống bố mẹ, từ đó tạo ra thế hệ con lớn nhanh, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.

1.1. Yêu cầu đối với giống gà bố

Lớn nhanh ở giai đoạn đầu, tiêu hao thức ăn nhiều, thể hình lớn, thịt thơm ngon, thuộc loại gà chuyên dụng. Thường được chọn từ các giống gà như gà Cornish trắng, Cornish đỏ, Plymouth Rock vằn…

1.2.Yêu cầu đối với giống gà mẹ

Năng suất thịt tương đối tốt, đẻ nhiều, thuộc loại gà kiêm dụng. Thường được chọn từ những giống như gà Plymouth Rock trắng, Light Sussex,…

2. Tận dụng ưu thế lai

Ưu thế lai là hiện tượng con lai từ các dòng, các giống hoặc các quần thể khác nhau có biểu hiện về sức sinh trưởng, sinh sản và khả năng chống chịu vượt trội hơn so với dòng thuần ban đầu. Hiện tượng này là kết quả của sự tác động bổ sung, tương hỗ giữa các gen trội và sự gia tăng tỷ lệ dị hợp ở các cá thể trong đàn; qua đó khống chế, lấn át ảnh hưởng của các ge lặn, đồng thời làm tăng biểu hiện tính trội và siêu trội 1 cách đồng đều. Tuy nhiên không phải tất cả những giống lai đều xuất hiện ưu thế lai. Giống bố mẹ khuyết thiếu gen trội, không đủ độ thuần; tổ hợp lai không có nhiều khác biệt về gen quy định các tính trạng kinh tế, biểu hiện tính trội và siêu trội ở các gen quy định tính trạng cơ bản của tổ hợp lai quá nhỏ hoặc giống lai không có đủ điều kiện, môi trường thích hợp để phát huy ưu thế lai đều không thể cho ra ưu thế lai lý tưởng. Do vậy, để khai thác tối ưu thế lai ở gà chuyên thịt, cần phải làm tốt các công tác sau:

2.1.Chọn lọc và làm tăng độ thuần của giống gà bố mẹ

Sử dụng phương pháp lai gần hoặc phối giống trong đàn khép kín để tạo ra những giống có ưu thế, sau đó tiến hành chọn lọc dựa trên các giống thu được. Gà chuyên thịt thì 7 tuần tuổi là tiến hành chọn lọc bước đầu dựa trên tiêu chí cân nặng, sự phát dục của ức và khung xương, 20 tuần tuổi dựa vào ngoại hình để chọn lọc tiếp, 40 tuần tuổi dựa vào khả năng sinh sản và đẻ trứng để chọn lọc lần cuối.

2.2. Kiểm tra hiệu quả lai phối và tiến hành phối

Nếu chưa xác định được trong các giống thu được tổ hợp giống nào có hiệu quả lai cao, trong quá trình tiến hành phối giống cần kết hợp với công tác kiểm tra hiệu quả lai; nghĩa là tổ hợp 1 cách có quy luật nhiều giống với nhau, tiến hành lai và quan sáxem tổ hợp lai nào mang lại ưu thế lai lớn, lựa chọn tổ hợp lai tối ưu nhất để tiến hành nhân giống.

2.3. Lai tạo và nhân rộng giống

Tiến hành nhân rộng các tổ hợp giống đã chọn, sau đó cho lai tạo thành con thương phẩm. Căn cứ vào số lượng giống tham gia quá trình lai mà có thể phân thành các hình thức lai khác nhau, hiện nay chủ yếu gồm các hình thức sau:

a) Lai 2 máu

Là phép lai giữa các bố mẹ thuộc 2 giống hoặc dòng khác nhau tạo ra F1, rồi dùng toàn bộ con lai F1 làm sản phẩm. Phép lai này có các ưu điểm và nhược điểm như sau:

  • Ưu điểm: dễ tiến hành, dễ phối hợp với công tác kiểm tra, trắc định, có ưu thế rõ ràng
  • Nhược điểm: không tận dụng ưu thế lai ở đời bố mẹ để nâng cao khả năng sinh sản, trình tự nhân giống ít, lượng cung giống có hạn.

Hình thức này về cơ bản hiện nay đã không còn được sử dụng nhiều.

b) Lai 3 máu

Là phép lai giữa 3 giống hoặc dòng khác nhau, trong đó cá thể mẹ là con lai F2 biểu hiện ưu thế lai nhất định về khả năng sinh sản, cho lai với cá thể bố có thể tạo được ở con lai thương phẩm ưu thế lai tốt. Trình tự nhân giống và  lượng cung giống được cải thiện đáng kể. Đây là 1 hình thức lai có hiệu quả tương đối cao.

c) Lai 4 máu

Là phép lai giữa 4 giống hoặc dòng khác nhau. Phép lai này mô phỏng hình thức tự thụ phấn kép ở ngô. Theo các tài liệu thu thập được trong quá trình gây giống, có thể thấy các cá thể thu được từ phép lai này về khả năng sinh sản không vượt trội hơn so với cá thể lai 2 máu hoặc 3 máu, tuy nhiên xét trên góc độ kinh tế phép lai này giúp kiểm soát nguồn giống dễ dàng, bảo đảm lượng cung giống liên tục.

3. Hệ thống tổ chức trong công tác nhân giống

Là hệ thống trong đó các khâu của công tác gây giống và nhân giống gà lai cao sản có mối liên hệ hữu cơ với nhau, tạo thành 1 chỉnh thể có phân công rõ ràng, quản lí chặt chẽ, liên kết mật thiết.

  • Hệ thống tổ chức trong công tác nhân giống có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cơ cấu cơ sở chăn nuôi các cấp, nhân rộng giống tốt nhanh chóng, đảm bảo các khâu của quá trình sản xuất cũng như chất lượng giống. Việc cơ cấu cơ sở chăn nuôi gà ở mỗi nơi dựa trên hệ thống nhân giống làm giảm hiện tượng sản xuất dư thừa, đồng thời đảm bảo số lượng gà thương phẩm tối ưu thu được tại các khu và các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp trên diện rộng. Tập trung xây dựng và đầu tư vào 1 số ít cơ sở giúp công tác cải thiện và gây thành giống tốt dễ dàng hơn, đảm bảo chất lượng giống lai cao sản, từ đó nâng cao sức sinh sản của đàn gà, giảm chi phí thức ăn và lượng vốn đầu tư sản xuất. Đồng thời, xây dựng 1 hệ thống tổ chức nhân giống hợp lý cũng góp phần đáng kể vào việc tập trung nguồn lực, khống chế dịch bệnh lan rộng.
  • Hệ thống tổ chức nhân giống chủ yếu bao gồm 2 bộ phận: Gây giống và nhân giống. Bộ phận đầu tiên là gây giống có nhiệm vụ chọn lọc, định hình; tức là tiến hành lai phối nhiều giống thuần chủng đã được lựa chọn phù hợp với những nhu cầu nhất định của con người, thông qua quá trình kiểm tra hiệu quả lai chọn ra những tổ hợp lai có ưu thể lai rõ ràng, sức sinh sản cao; sau đó cố định các giống tham gia quy trình lai đưa vào khâu tiếp theo. Bộ phận thứ 2 có nhiệm vụ phân giống, tức là đưa các giống thuần được cung cấp từ khâu trước đó vào lai phối, nhân rộng. Quá trình nhân giống phải đảm bảo đi theo chiều dọc của mô hình lai phối 1 cách liên tục, tức là 1 tổ hợp lai chỉ có thể sinh ra thế hệ con F1, thế hệ con F1 chỉ có thể sinh ra con lai thương phẩm, trong đó con lai thương phẩm là kết quả cuối cùng của quá trình nhân giống, không được tiếp tục sử dụng làm giống tham gia quá trình lai. Kết cấu của hệ thống nhân giống và nhiệm vụ của các bộ phận được biểu diễn trong hình 1.3.

 

chat fb
Gọi ngay